Điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS (kỳ 4) (7/19/2012 10:54:54 AM)
Điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS (kỳ 4)
13/4/2012 10:59
Bài 4: Thẩm quyền của Tòa án trong tố tụng dân sự
Những tranh chấp và yêu cầu về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án (Điều 25, Điều 26): BLTTDS quy định cụ thể các loại vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền của Tòa án theo phương pháp liệt kê và có kèm theo một điều khoản mà người ta thường gọi là “điều khoản quét”, đó là các tranh chấp hay yêu cầu khác về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại mà pháp luật có quy định. Những quy định của BLTTDS về thẩm quyền của Tòa án cũng được hướng dẫn chi tiết và cụ thể tại mục I Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31-3-2005 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất “Những quy định chung” của BLTTDS năm 2004.
Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng quy định của BLTTDS về thẩm quyền của Tòa án vẫn phát sinh một số khó khăn, vướng mắc:
Thứ nhất, theo quy định tại Điều 45 Luật Công chứng, người được đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu là: Công chứng viên, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền đề nghị Toà án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật. Luật quy định cụ thể như trên, nhưng trên thực tế khi phát hiện văn bản công chứng trái pháp luật người dân có đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản công chứng trái pháp luật là vô hiệu, nhưng vẫn chưa được giải quyết. Khi tiếp nhận đơn yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng trái pháp luật vô hiệu theo Điều 45 Luật Công chứng, Tòa án rất lúng túng, thường từ chối thụ lý đơn, với lý do: Không thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc chưa đủ điều kiện thụ lý… BLTTDS không quy định yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng trái pháp luật hoặc hủy hợp đồng (không có tranh chấp) là vụ án dân sự hay là việc dân sự. Từ ngày BLTTDS và Luật Công chứng có hiệu lực thi hành đến nay chưa có hướng dẫn nào Hội đồng Thẩm phán TANDTC về thủ tục thụ lý giải quyết loại việc này…
Thứ hai, theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 thì chủ sở hữu chung có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án xác định phần sở hữu của họ đối với tài sản chung. Theo quy định tại khoản 1 Điều 102 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 thì đương sự, Chấp hành viên có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản. BLTTDS năm 2004 chưa quy định cho Tòa án những vụ việc nêu trên.
Do vậy, Luật sửa đổi, bổ sung BLTTDS chủ yếu sửa đổi, bổ sung về thẩm quyền theo loại vụ việc theo hướng bổ sung các quy định về thẩm quyền đã có quy định tại các văn bản pháp luật khác mà chưa được liệt kê trong BLTTDS đảm bảo tính thống nhất trong các quy định của pháp luật, tránh tình trạng có quan điểm khác nhau khi áp dụng.
Luật sửa đổi, bổ sung BLTTDS tại Điều 1 các khoản 5, 6 sửa đổi, bổ sung các Điều 25 (Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án); Điều 26 (Những yêu cầu về dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án). Về những tranh chấp, yêu cầu về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, Luật sửa đổi, bổ sung BLTTDS bổ sung thẩm quyền giải quyết các tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu, tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự tại Điều 25 BLTTDS về những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án; bổ sung thẩm quyền giải quyết các yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu, yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản; phân chia tài sản chung để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự tại Điều 26 về những yêu cầu về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án. Ngoài ra, về vấn đề này, Luật sửa đổi, bổ sung BLTTDS còn sửa đổi, bổ sung quy định về tranh chấp về quyền sử dụng đất và về tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai bằng việc bỏ chữ “và” là tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng trên thực tế có nhiều trường hợp chỉ xảy ra tranh chấp về quyền sử dụng đất.
Những tranh chấp về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án (Điều 31): Thứ nhất, theo quy định của khoản 1 Điều 31 BLTTDS năm 2004 thì chỉ trong trường hợp tranh chấp lao động cá nhân mà hòa giải không thành hoặc không giải quyết trong thời hạn luật định mới thuộc thẩm quyền của Tòa án. Trong thực tiễn xảy ra nhiều trường hợp tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động mà Hội đồng hoà giải lao động cơ sở, hoà giải viên lao động của cơ quan quản lý nhà nước về lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoà giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, thì các bên vẫn không được quyền khởi kiện Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Quy định như vậy là bất hợp lý, không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp. Luật sửa đổi, bổ sung đã khắc phục được vướng mắc này bằng việc quy định về tranh chấp lao động cá nhân trường hợp hoà giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng là tranh chấp thuộc thẩm quyền của Tòa án.
Thứ hai, Bộ luật Lao động có quy định phân biệt tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích. TAND chỉ giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền (tranh chấp về việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động đã được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc các quy chế thỏa thuận hợp pháp khác ở doanh nghiệp mà tập thể lao động cho rằng người sử dụng lao động đã vi phạm) sau khi Chủ tịch UBND cấp huyện đã giải quyết mà hai bên vẫn còn tranh chấp hoặc hết thời hạn giải quyết (không quá 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết) mà Chủ tịch UBND cấp huyện không giải quyết, mỗi bên yêu cầu TAND giải quyết.
Để phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động, Luật sửa đổi, bổ sung BLTTDS cũng sửa đổi, bổ sung quy định về tranh chấp lao động tập thể, theo đó chỉ những tranh chấp lao động tập thể về quyền giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động đã được Chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết mà tập thể lao động hoặc người sử dụng lao động không đồng ý với quyết định của Chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoặc quá thời hạn mà Chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh không giải quyết mới thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Văn Tỉnh