Đến lúc sửa Luật Công chứng (7/19/2012 2:39:09 PM)

Sau hơn ba năm thi hành, Luật Công chứng đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, đã khẳng định chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng là đúng đắn, tạo điều kiện cho việc phát triển tổ chức và hoạt động công chứng của Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp hóa...

Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ Tư pháp, quá trình triển khai Luật Công chứng đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập mà chỉ có sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật mới có thể giải quyết triệt để.

Nhiều bất cập nảy sinh từ thực tiễn

Sau hơn ba năm triển khai Luật Công chứng, chủ trương xã hội hoá công chứng được triển khai chưa đồng bộ và hợp lý tại các địa phương trong cả nước. Mới chỉ có trên ½ địa phương trên cả nước có văn phòng công chứng theo mô hình xã hội hóa.

Hiện có tình trạng trái ngược trong phát triển các tổ chức hành nghề công chứng. Có địa phương cho phép thành lập các văn phòng công chứng một cách tràn lan, phân bố không hợp lý. Có địa phương lại không phát triển văn phòng công chứng. Nhiều địa phương chưa xây dựng đề án quy hoạch tổ chức hành nghề công chứng, chất lượng một số đề án đã phê duyệt còn thấp.

Nhìn chung, nhận thức về xã hội hóa công chứng gắn với quản lý việc thành lập, phát triển tổ chức hành nghề công chứng theo quy hoạch ở nhiều địa phương còn nhiều bất cập.

Cùng với bất cập này, hiện có thực trạng chất lượng và số lượng đội ngũ công chứng viên còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Việc đào tạo, bổ nhiệm công chứng viên còn thiếu tính quy hoạch. Chất lượng đội ngũ công chứng viên còn hạn chế.

Do đội ngũ công chứng viên còn mỏng trước yêu cầu xã hội hóa công chứng, nên Luật Công chứng năm 2006 quy định đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng, miễn thời gian tập sự hành nghề công chứng có phần dễ dãi, do đó, chất lượng một bộ phận công chứng viên tại các văn phòng công chứng còn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là những người không qua đào tạo, tập sự nghề công chứng dẫn đến sự non kém hoặc tắc trách về chuyên môn nghiệp vụ. Sự việc vừa xảy ra tại Văn phòng công chứng Việt Tín ở Hà Nội là một ví dụ.

Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, một hạn chế khác trong hoạt động quản lý nhà nước về công chứng phải kể đến đó là sự lơi lỏng, thiếu sâu sát của các địa phương đối với công tác này. Sự phát triển tổ chức hành nghề công chứng, nhất là văn phòng công chứng chưa đi đôi với việc tăng cường kiểm tra, hướng dẫn hoạt động đã dẫn đến việc phát sinh những hiện tượng tiêu cực, cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức hành nghề công chứng không được chỉnh đốn kịp thời.

Cơ sở dữ liệu thông tin chung về công chứng, nhất là các thông tin ngăn chặn các giao dịch về bất động sản chưa được triển khai xây dựng ở hầu hết các địa phương nên hoạt động công chứng còn tiềm ẩn  rủi ro đối với xã hội, đối với công chứng viên.

Thêm vào đó, nhận thức về chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng; về bản chất của hoạt động công chứng; về chủ trương tách bạch giữa công chứng và chứng thực của một bộ phận cơ quan, cán bộ quản lý nhà nước về công chứng còn chưa đầy đủ.

Chẳng hạn, một số ngân hàng không chấp nhận các văn bản đã công chứng tại văn phòng công chứng hoặc văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất từ chối đăng ký hợp đồng đã công chứng tại văn phòng công chứng hoặc từ chối cung cấp thông tin địa chính mà văn phòng công chứng cần cung cấp.

Có UBND cấp xã không phối hợp với văn phòng công chứng trong việc niêm yết văn bản liên quan đến việc công chứng các giao dịch về thừa kế. Cá biệt có địa phương cho việc “từng bước chuyển giao các hợp đồng, giao dịch cho các tổ chức hành nghề công chứng...” là trái với Luật Đất đai, Luật Nhà ở hoặc không cần thiết quy hoạch tổ chức hành nghề công chứng khi tiến hành xã hội hóa hoạt động công chứng...

Sửa đổi, bổ sung từ gốc

Lý giải cho những bất cập đang nảy sinh trong lĩnh vực công chứng, Bộ Tư pháp khẳng định một trong những nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động công chứng còn bất cập, chưa đồng bộ dẫn đến những khó khăn trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ công chứng. Một số quy định liên quan đến công chứng trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn thi hành có điểm chưa đồng bộ với Luật Công chứng.

Thẩm quyền chứng nhận các hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở của ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã; thẩm quyền xác nhận hợp đồng, giao dịch của ban quản lý khu công nghiệp… chưa tạo được cơ chế liên thông giữa tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan thuế, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm khi thực hiện các thủ tục hành chính đối với các giao dịch về bất động sản.

Bên cạnh đó, một số quy định của Luật Công chứng vẫn còn chung chung, chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện kịp thời hoặc Luật Công chứng còn chưa dự liệu hết một số vấn đề hiện đang phát sinh trong thực tiễn thi hành như việc chuyển đổi văn phòng công chứng một công chứng viên sang loại hình văn phòng công chứng từ hai công chứng viên trở lên hoặc ngược lại... tiếng nói và chữ viết trong công chứng nếu người yêu cầu công chứng là người nước ngoài; về khiếu nại, tố cáo trong hoạt động công chứng; thiếu các quy định về thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch như công chứng các giao dịch về ủy quyền, thừa kế, thế chấp tài sản hình thành trong tương lai; quy định về nơi hành nghề công chứng và bảo hiểm trách nhiệm nghề công chứng còn chung chung; quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên trong Luật Công chứng còn đơn giản, dễ dãi…

Hiện Chính phủ đã đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng vào chương trình chính thức của Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013.


Văn phòng công chứng A18

Địa chỉ: 767 Giải phóng, phường Giáp Bát, Hoàng Mai, Hà Nội
Tel: (04) 3668 7160  Fax: (04) 3668 7106
Email: info@vanphongcongchunga18.com.vn
Copyright by VNSolution