Suốt thời gian dài, các Văn Phòng Công chứng (đặc biệt tại các thành phố lớn) luôn phải chịu cảnh ùn tắc vì khối lượng bản sao khổng lồ. Từ 1/7 tới đây, tình trạng trên sẽ hoàn toàn chấm dứt khi Luật Công chứng có hiệu lực, toàn bộ phần việc về bản sao sẽ được giao về cho cấp huyện, xã và các cơ quan có thẩm quyền. Giải thoát… Mặc dù đã thành lập đến 5 Văn Phòng Công chứng nhưng Hà Nội vẫn liên tục quá tải vì bản sao. Bắt đầu từ tháng 3, khi mùa tuyển sinh bắt đầu là số lượng người đến công chứng lại tăng vọt. Văn Phòng công chứng số 1 mỗi ngày tiếp khoảng 600-700 lượt người. Văn Phòng Công chứng số 3 và số 4 mỗi ngày cũng khoảng 400-500 lượt. Tại Vĩnh Phúc, có đến 3 văn phòng Công chứng nhưng cũng không tránh khỏi quá tải. Văn Phòng Công chứng số 2 có trụ sở ở TX. Phúc Yên một ngày có khoảng trên 300 lượt người đến chứng thực bản sao trong khi chỉ có hai công chứng viên. Các công chứng viên dù làm việc hết công suất, làm cả ngoài giờ cũng không xuể. Đây là tình trạng chung của nhiều Văn Phòng Công chứng trên cả nước, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố lớn. “Chúng tôi được giải thoát” – một trưởng văn phòng Công chứng ở Hà Nội đã thở phào như vậy khi Luật Công chứng được thông qua. Theo ông, bản chất của công chứng là chứng nhận hợp đồng, giao dịch chứ không phải là bản sao. Công chứng hợp đồng tức là họ đã được làm đúng chuyên môn của mình. Theo Luật Công chứng mới, Văn Phòng Công chứng chỉ chứng nhận các hợp đồng, giao dịch. Các loại việc về bản sao sẽ được đưa về cho UB cấp huyện, xã và một số cơ quan chức năng. Thực ra từ trước tới nay, các Phòng Tư pháp vẫn làm công việc này, tuy nhiên vì lí do nào đó, người dân vẫn đổ xô đến các Văn Phòng Công chứng. Mặt khác khi tiếp nhận hồ sơ, một số cơ quan, doanh nghiệp lại yêu cầu giấy tờ phải có công chứng nhà nước. Kết quả, các phòng Công chứng làm không hết việc. Tình trạng này sẽ chấm dứt từ 1/7, khi Luật Công chứng có hiệu lực. Một Nghị định riêng về chứng thực cũng vừa được Bộ Tư pháp trình Chính phủ với hy vọng sẽ kịp thông qua vào thời điểm nói trên để việc triển khai được đồng bộ. Một số nơi sẽ không còn việc để làm? Trong khi nhiều công chứng viên thực sự vui mừng trước chủ trương mới thì tại nhiều tỉnh miền núi không khí lại khá… đìu hiu. Đơn giản vì từ trước đến nay, hơn 90% công việc (có nơi gần 100%) của họ là bản sao.Ông Thào Sỹ Di – Giám đốc Sở Tư pháp Sơn La cho biết: trên địa bàn tỉnh này rất ít có yêu cầu chứng thực hợp đồng, giao dịch, các công chứng viên vẫn chủ yếu làm bản sao. Sơn La vừa thành lập Văn phòng Công chứng số 3, với mật độ như vậy chắc khi triển khai Luật Công chứng mới các công chứng viên sẽ hết sức… nhàn rỗi. Khi phần việc chứng thực bản sao được đưa về cơ sở thì rất may – ông Di nói – mấy năm gần đây Sơn La đã kịp thời kiện toàn đội ngũ cán bộ tư pháp cấp huyện, xã. Không còn tình trạng 1 biên chế/ huyện, mà bình quân mỗi huyện đã có 3 cán bộ. Cấp xã cán bộ tư pháp cơ bản cũng đã có trình độ trung cấp pháp lý và tỉnh đang tiếp tục đào tạo. Mọi việc đã sẵn sàng để đón nhận sự chuyển giao mới. Cùng chung ý kiến với ông Di, ông Nguyễn Công Hoạt - Trưởng Văn Phòng Công chứng số 1 Bắc Kạn – cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện nay chỉ có 1 Văn Phòng Công chứng với 3 công chứng viên. Khối lượng công việc về hợp đồng, giao dịch chỉ chiếm khoảng 0,3 – 0,4%, còn lại là bản sao. Tuy nhiên, ông Hoạt cũng tỏ ra khá lạc quan vì trong tương lai kinh tế càng phát triển, thì các yêu cầu về hợp đồng ngày càng lớn, công chứng viên sẽ không sợ bị thất nghiệp. Một lý do khác khiến nhiều địa phương lạc quan là theo Luật Công chứng, một số loại việc trước đây thuộc thẩm quyền chứng thực của cấp cơ sở nay đã giao lại cho Văn Phòng Công chứng. Bên cạnh đó, giải phóng bản sao đồng nghĩa với việc nâng cao chất lượng công chứng hợp đồng, giao dịch. Trước đây, với Nghị định 75 về công chứng chứng thực thì vì phải chịu áp lực bản sao nên các công chứng viên không có thời gian đi xác minh tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch, nay họ sẽ có nhiều thời gian để làm công việc đó hơn, kể cả đi công chứng ngoài trụ sở cho những trường hợp đặc biệt (ví dụ người già yếu, người bị tạm giữ, tạm giam…) Mọi việc đã sẵn sàng Với phương châm càng cụ thể bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, tránh tình trạng luật ra phải chờ văn bản hướng dẫn, Luật Công chứng cũng được đánh giá là khá chi tiết và đầy đủ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải hướng dẫn. Theo lãnh đạo Bộ Tư pháp, Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Công chứng đang được gấp rút hoàn thiện, cố gắng sẽ trình Chính phủ để ban hành sớm khi Luật có hiệu lực. Công việc còn lại là các ngành cần nỗ lực tuyên truyền cho Luật Công chứng mới để người dân hiểu, tìm đến đúng địa chỉ, đỡ mất công đi lại. Chính quyền các cấp cần củng cố đội ngũ cán bộ và tổ chức tập huấn nghiệp vụ về công chứng. Dù không phải là công việc mới, song cũng là loại việc phức tạp, nhu cầu lớn, nếu không chắc về nghiệp vụ dễ xảy ra sai sót (ví dụ văn bằng chứng chỉ giả). Theo dự báo sớm của nhiều công chứng viên, việc triển khai Luật Công chứng mới, trước mắt các Văn Phòng Công chứng sẽ có một thời gian im ắng. Điều đó có lẽ cũng là hợp quy luật bởi sau cuộc chuyển giao lớn lần này, mọi chuyện sẽ khác. |